Lương Hưu Công An Tăng Bao Nhiêu Phần Trăm

Lương Hưu Công An Tăng Bao Nhiêu Phần Trăm

Người dân làm thủ tục nhận lương hưu ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người dân làm thủ tục nhận lương hưu ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Mong lương hưu đảm bảo cuộc sống

Lịch trả lương hưu bắt đầu từ ngày 5-4, nhưng ngay từ đầu tháng bà Nguyễn Thị Hà (74 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đã ra vào nhìn cuốn lịch treo tường chờ đến ngày ra bưu điện lĩnh lương. Nghỉ hưu từ đầu những năm 2002, đến nay sau nhiều lần được tăng, mức lương hưu của bà Hà đang được nhận khoảng 4,3 triệu đồng/tháng.

Bà cho hay do chồng về theo diện mất sức, mỗi tháng được nhận khoảng 2 triệu đồng tiền trợ cấp nên khoản tiền lương của bà là nguồn thu lớn nhất của hai vợ chồng già. Với khoản lương hưu hơn 6 triệu của hai vợ chồng, bà kể phải dành ra một khoản để phòng đám cưới, giỗ chạp, thăm người ốm... Số còn lại lo chi tiêu hằng tháng của hai vợ chồng.

"Các con tôi làm công nhân bình thường nên thu nhập chỉ đủ ăn, không dư dả để đỡ đần được bố mẹ. Với mức lương hiện tại ở thủ đô khi mà rau thịt, điện, nước... đều tăng thì cứ nhận lương về tôi phải tính toán rất kỹ xem chi các khoản thế nào, mua gì, ăn gì, chứ không sẽ thiếu ngay. Tôi rất mong thời gian tới Nhà nước có chính sách tăng lương hưu phù hợp để cải thiện cuộc sống", bà Hà chia sẻ.

Còn ông Lê Văn Tường (71 tuổi, trú ở TP Bắc Ninh) cho biết ông về hưu năm 2014, sau 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với mức hưởng 55% nên chỉ nhận được mức lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần tăng lương, mức lương hưu hiện nay ông nhận là 3,6 triệu đồng/tháng.

Tương tự vậy, vợ ông là bà Phích về hưu năm 2017 sau 20 năm đóng BHXH, đủ tuổi cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng và hiện nay tăng lên 2,6 triệu đồng/tháng. Ông Tường nói với mức lương hưu hiện nay của vợ chồng trong điều kiện vật giá leo thang thế này là rất khó khăn, chật vật.

Trước đó, ông bà đã phải làm thêm nhiều nghề như nấu ăn, làm đồ gỗ, điện nước... để cải thiện đời sống. "Chúng tôi mong thời gian tới cùng với cải cách tiền lương thì có chính sách tăng lương hưu với những người có lương thấp để đảm bảo cuộc sống", ông Tường chia sẻ.

Từ thực tế đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng 8% lương hưu từ ngày 1-7, dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%. Theo lý giải của cơ quan này, với mức tăng này sẽ giảm bớt chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương (dự kiến từ ngày 1-7 tới).

Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Cơ quan này dự báo từ ngày 1-7, tiền lương đóng BHXH của người lao động khu vực nhà nước tăng lên theo cải cách tiền lương, khoảng 55% so với năm 2023.

Về lâu dài, tổng quỹ hưu trí, tử tuất tăng 83.000 tỉ năm 2024 lên tới 162.000 tỉ năm 2050. Nếu theo cách tính hiện hành, tổng chi lương hưu tăng từ 94.000 tỉ (năm 2024) lên đến 221.000 tỉ (năm 2050), còn theo cách đề xuất là 219.000 tỉ (năm 2050).

Theo tính toán, nếu đề xuất tăng lương hưu 8% được thông qua, trong sáu tháng cuối năm 2024, ngân sách nhà nước chi cho lương hưu, trợ cấp BHXH tăng khoảng 1.900 tỉ đồng. Nếu bổ sung người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh 8% vẫn dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỉ đồng. Quỹ BHXH bội chi khoảng 6.900 tỉ đồng (chưa gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

Còn trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất tăng lương hưu thêm 15%. Riêng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 29,2%, tương ứng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, tương ứng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng.

Người dân đến Bảo hiểm xã hội TP.HCM làm thủ tục bảo hiểm xã hội và lương hưu - Ảnh: HỮU HẠNH

Cần chính sách cho nhóm nghỉ hưu trước năm 1995

Dưới góc nhìn kinh tế học, giáo sư Giang Thanh Long (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) chỉ rõ về mặt nguyên tắc đóng - hưởng, người đóng BHXH thấp sẽ hưởng lương hưu thấp, ngược lại người đóng cao hưởng cao. Song cần nhìn nhận chi phí cuộc sống hiện nay cao hơn trước đây rất nhiều.

Do vậy, theo giáo sư Long, muốn xác định mức điều chỉnh lương hưu phù hợp, cơ quan chức năng cần chia rõ các nhóm đối tượng cụ thể theo ngành nghề, tuổi tác, thời gian đóng BHXH để có con số chính xác thay vì quy chung là người nghỉ hưu.

Giáo sư Long cho rằng không nên điều chỉnh cho tất cả người nghỉ hưu với tỉ lệ 8% hay 15% như cơ quan chức năng đề xuất mà ưu tiên tăng lương hưu cho nhóm lương thấp, dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng của kinh tế, lạm phát.

Bởi nếu tăng lương hưu cho tất cả mọi người cùng một tỉ lệ nhất định sẽ nới rộng khoảng cách giữa người hưởng lương cao và người hưởng lương thấp. Ví dụ, một sĩ quan về hưu hưởng 12 triệu đồng/tháng, nếu tăng lương hưu 15% sẽ nhận 13,8 triệu đồng/tháng. Cũng với mức tăng 15%, nhân viên về hưu lương 3,5 triệu đồng sẽ lên thành hơn 4 triệu đồng.

Ông Long đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nhóm nghỉ hưu trước năm 1995. Còn nhóm hưởng lương hưu từ quỹ BHXH thì tính toán điều chỉnh theo nguyên tắc đóng - hưởng, tinh thần chia sẻ, ai có mức lương quá thấp phải điều chỉnh, ít nhất đủ sống.

Song song với đó, Nhà nước cần đảm bảo vai trò bình ổn giá cả, nhất là mặt hàng thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu tác động của cải cách tiền lương với nhóm nghỉ trước và sau mốc 1-7-2024.

Chẳng hạn, một người nghỉ hưu sau thời điểm này, lương hưu của họ tính trên cả quá trình 20, 25 năm đóng BHXH hay phân chia làm hai giai đoạn, trước và sau cải cách tiền lương vì lương sau 1-7-2024 cao hơn trước để tránh thiệt thòi.

Người dân xem hướng dẫn thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):

Tôi nhận được nhiều ý kiến của các cử tri nghỉ hưu về việc đề nghị thực hiện tăng lương hưu cùng với cải cách chính sách tiền lương từ 1-7-2024. Bởi hiện nay, giá cả các mặt hàng, chi phí cho cuộc sống đều tăng cao so với trước. Việc tăng lương hưu chính là khoản bù vào trượt giá hằng năm, do đó cử tri mong muốn tăng cùng để đảm bảo cuộc sống.

Đối với việc tính tăng lương hưu bao nhiêu phần trăm giữa đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra là 15% và BHXH lại đưa ra là 8%, tôi cho rằng con số này rõ ràng chênh nhau khá nhiều, nếu không muốn nói là gần gấp đôi.

Ở đây, dù là 8% hay 15% thì đều cần có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng. Trong đó, nếu mục đích của việc tăng lương là bù trượt giá thì cần lấy chỉ số trượt giá để tính tăng lương hưu cho phù hợp. Với chỉ số tăng giá tiêu dùng như năm 2023 vừa qua là hơn 3,2% thì tôi cho rằng nên xem xét tăng ở mức 10% là phù hợp.

Bên cạnh đó, việc tính lương hưu trên nguyên tắc đóng - hưởng nên có nhóm sẽ có lương hưu thấp và nhóm có lương hưu cao. Khi xem xét tăng lương hưu nếu chia thành các nhóm lương hưu thấp thì xem xét tăng cao còn nhóm lương hưu cao thì tăng thấp. Điều này khó có thể đảm bảo sự công bằng xã hội. Do vậy, nên tính toán để tăng đồng đều chứ không nên chia nhóm để xét tăng.

* Tiến sĩ BÙI SĨ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội):

Nên chia đối tượng để tăng lương hưu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, cho hay hiện nay cả nước có khoảng 2,7 - 2,8 triệu người đang hưởng lương hưu. Trong đó, có khoảng 2 triệu người đang hưởng lương hưu thấp từ mức 3 - 7 triệu đồng/tháng.

Ông chỉ rõ về nguyên tắc, thời điểm 1-7 tới đây thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới cho những người làm việc trong khu vực công sẽ có tác động làm tăng chi phí cuộc sống lên. Do vậy, cần phải xem xét tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp cho người có công lên.

Thêm vào đó, Luật BHXH đã quy định tiền lương hưu, trợ cấp BHXH phải điều chỉnh để đảm bảo bù lại phần trượt giá. Trong năm 2023, CPI là 3,25%, GDP tăng hơn 5,05% nên cần tính điều chỉnh lương hưu để đảm bảo đời sống.

Về việc tăng lương hưu ở mức độ nào cho phù hợp, ông Nghĩa nhắc lại việc BHXH Việt Nam đang đề xuất mức tăng khoảng 8%, còn ý kiến của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, chuyên gia đề nghị mức cao hơn lên tới 15%.

Vị đại biểu này cho rằng cần có tính toán cụ thể và nên tăng theo đối tượng, trong đó ưu tiên cho người đang hưởng mức lương hưu thấp để tăng đảm bảo mức sống trung bình. Còn với nhóm lương hưu đã cao như mỗi tháng lĩnh mười mấy triệu thì có thể tăng mức thấp hơn.

"Có thể có nhóm lương hưu thấp thì tăng 15%, nhóm thấp vừa tăng 10%, còn nhóm lương đã ở mức đảm bảo thì tăng 8%. Như vậy, sẽ đảm bảo cho những người lương thấp sẽ được lãnh lương hưu tăng lên, đủ điều kiện sống trung bình và vẫn có sự tăng công bằng với các nhóm khác", ông Nghĩa đề xuất.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay ở nước ta đang có hai nhóm gồm: một nhóm người về hưu trước 1-1-1995 do ngân sách nhà nước chi trả lương hưu và bù đắp khi tiến hành tăng lương hưu. Nhóm thứ hai là những người về hưu từ 1995 trở về đây do quỹ BHXH chi trả. Với nhóm này áp dụng theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Với những người về hưu ở nhóm này đã không còn tham gia đóng góp cho quỹ nữa nên mức tăng lương hưu phải tính toán kỹ để đảm bảo cân đối của quỹ, đồng thời dựa trên việc đầu tư hiệu quả của quỹ. Về lâu dài, người lao động muốn hưởng lương hưu cao thì việc quan trọng là phải đóng cao.

Muốn như vậy phải có biện pháp để tăng mức lương của người lao động và có thêm các chính sách hưu trí bổ sung để người lao động có thể tham gia để sau này hưởng lương cao. Cần đa dạng hóa loại hình đầu tư của quỹ BHXH để có hiệu quả cao giúp người lao động hưởng các chế độ, trong đó có chế độ hưu trí cao hơn.

Còn nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thì cho rằng dù chọn mức tăng 8% hay 15% thì đều phải bàn bạc, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi lương cán bộ, công chức tăng mấy chục phần trăm mà lương hưu tăng không tương xứng cũng cần xem xét, bởi đời sống của những người về hưu còn nhiều khó khăn.

Theo ông Huân, những người đang nhận lương hưu thấp chủ yếu là nhóm nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995 trở về trước. Thời điểm này, ngoài bản thân mặt bằng lương thấp, cộng với chế độ nâng bậc lương không thường xuyên, dẫn đến mức lương hưu rất thấp.

Ngoài ra, với nhóm lao động đang đóng BHXH với mức lương đóng thấp, thì khi về hưu cũng không thể có mức lương hưu cao được. Vì vậy, theo ông, với hai nhóm này cần chú ý đến đời sống của họ hơn để có hỗ trợ thêm. Chẳng hạn nếu mức điều chỉnh chung như BHXH Việt Nam đề xuất là 8%, thì nhóm này phải tăng lên 10%.

Ông Huân phân tích thêm lương hưu phụ thuộc vào mức đóng, cụ thể đóng cao thì hưởng cao và ngược lại. Song có thực tế, người về hưu sau cải cách tiền lương (từ 1-7) và đóng nhiều thời gian hơn, lương cao hơn, sẽ có lương hưu rất cao so với người về trước.

Chưa kể, theo dự Luật BHXH (sửa đổi) có thể giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm dẫn đến nhiều người có lương hưu rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, ông Huân cho rằng có thể tính toán để bù đắp cho những người đang có mức lương thấp được điều chỉnh cao hơn.

Còn những người có mức quá cao thì điều chỉnh thấp hơn một chút, song không có nghĩa nhóm này điều chỉnh với mức quá thấp, bởi không đúng với nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH. "Họ đóng ở mức cao mà lại hưởng thấp sẽ không ổn.

Nhưng với người có mức lương thấp cần có cơ chế bù thêm giúp nâng cao đời sống lên. Trong vấn đề này cần có sự chia sẻ giữa những người tham gia", ông Huân đánh giá và cho rằng về lâu dài, để lương hưu cao ngoài việc đóng cao nên xem xét có thể đầu tư quỹ BHXH sinh lời nhằm bù đắp cho người hưởng lương hưu thấp.

Ví dụ đầu tư quỹ qua các kênh hợp pháp khác thay vì các kênh an toàn như mua trái phiếu Chính phủ hoặc gửi lãi ngân hàng đang triển khai. Việc này cũng cần được thông báo công khai để người lao động biết, đồng ý.